Chuyển động thị trường phân hủy sinh học

1 công ty start-up ở Anh triển khai sản xuất quy mô lớn bao bì làm từ sợi nấm, hoàn toàn không nhựa

Giải pháp thay thế polystyrene có khả năng phân hủy sinh học 100% này đang được các thương hiệu lớn săn đón, vì vậy The Magical Mushroom Company đã đặt mục tiêu nhanh chóng mở rộng quy mô của họ trên toàn Châu Âu.

Magical Mushroom Company (MMC) đã triển khai sản xuất quy mô lớn bao bì phân hủy sinh học có nguồn gốc từ nấm, một giải pháp thay thế không chứa nhựa có khả năng phân hủy bằng cách chôn ủ tại nhà. Bao bì loại này có hiệu quả tương đương và chi phí vô cùng cạnh tranh so với polystyrene truyền thống, hiện đang được sử dụng để bảo vệ nhiều loại hàng hóa từ các thiết bị đồ bếp, mỹ phẩm đến đa dạng các loại sản phẩm tiêu dùng hàng ngày, bao gồm cả thương hiệu rượu gin không cồn của Diageo, Seedlip.

Bao bì này được sản xuất với công nghệ tổng hợp sợi nấm, là sản phẩm tiên phong và được cấp bằng sáng chế của công ty Ecovative Design LLC của Mỹ. Quy trình này bắt đầu từ việc lấy chất thải sau chế biến từ các sản phẩm nông nghiệp như cây gai dầu, hoa bia, ngô và gỗ, sau đó kết hợp chúng với sợi nấm – hệ thống rễ của nấm. Những nguyên liệu sống này sau đó được tạo hình bằng cách sử dụng khuôn 3D, sau đó được nung, làm cứng, ngăn chặn quá trình phát triển thêm. Toàn bộ quá trình từ thiết kế đến nguyên mẫu chỉ mất 14 ngày.

MMC Holding International LTD, kinh doanh với tên the Magical Mushroom Company, sở hữu giấy phép độc quyền của Châu Âu, vương quốc Anh và Ireland để sản xuất dòng bao bì Mushroom®. Nhà máy đầu tiên được đặt tại Esher, Surry, bắt đầu đi vào hoạt động từ T8/2020 và có khả năng sản xuất hơn 1 triệu sản phẩm mỗi năm.

Sản phẩm làm từ công nghệ sợi nấm của Magic Mushroom Company
Sản phẩm làm từ công nghệ sợi nấm của Magic Mushroom Company

Doanh nghiệp này sẽ mở thêm nhà máy thứ 2 tại Vương quốc Anh vào năm 2021, nâng tổng sản lượng lên hơn 3 triệu sản phẩm mỗi năm. Tiếp theo đó, họ dự định mở các nhà máy ở Bulgaria và Ý, cùng nhau cung cấp cho Châu Âu hơn 6 triệu đơn vị sản phẩm năm. Nhà máy thứ 3 tại Châu Âu (ở Đức) dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm 2022.

Với việc polystyrene gây ra tác hại to lớn đến môi trường, một giải pháp thay thế khả thi về mặt thương mại và thực tế là điều vô cùng cần thiết. Bao bì do MMC sản xuất có khả năng phân hủy sinh học hoàn toàn tại nhà và phân hủy trong đất trong vòng 40 ngày. Sản phẩm này cũng có thể phân hủy hoàn toàn trong nước trong vòng 180 ngày, chứng tỏ tiềm năng lâu dài góp phần giảm đáng kể mức rác thải nhựa trong đại dương.

MMC hiện đang hợp tác với thương hiệu lớn có định hướng rõ ràng trong việc giảm thiểu tác động tới môi trường như Lush Cosmetics, Raine Marine, Bodyshop, Seedlip (thuộc tập đoàn Diageo) và nhà thiết kế thời trang cao cấp Tom Dixon.

Bao bì rượu Seedlip được làm từ công nghệ sợi nấm
Bao bì rượu Seedlip được làm từ công nghệ sợi nấm

Paul Gilligan, người sáng lập và Giám đốc điều hành công ty chia sẻ “Chúng tôi tự gọi mình là the Magical Mushroom Company vì một lý do: Những loại đặc điểm độc đáo của Mycellium (sợi nấm) thực sự vô cùng kì diệu, chúng cho phép chúng tôi sản xuất ra một loại bao bì bền, chi phí tối ưu và là một giải pháp thay thế hoàn toàn bền vững đối với bao bì polystyrene mà lại có khả năng phân hủy sinh học trong vườn nhà chỉ với 40 ngày.”

“Chúng tôi thực sự vui mừng khi bắt đầu kinh doanh và mở rộng quy mô sản xuất một cách nhanh chóng, đảm bảo được các hợp đồng lớn. Phản hồi của khách hàng trên toàn cầu rất tích cực và tất cả các khách hàng của chúng tôi từ những ngày đầu cũng đã tiếp tục tái ký và hợp tác lâu dài hơn.”

“Với kinh nghiệm hơn một thập kỉ sản xuất nguyên liệu sợi nấm quy mô lớn, Ecovative rất vui khi thấy người tiêu dùng và các thương hiệu trên khắp thế giới sử dụng bao bì Mushroom®,” Gavin McIntyre, đồng sáng lập và Giám đốc Phát triển Kinh doanh tại Ecovative design cho biết. “Chúng tôi rất vui mừng được hợp tác với Magical Mushroom Company để mở rộng quy mô công nghệ và mong muốn cung cấp  giải pháp đóng gói đột phá này cho nhiều thương hiệu hơn nữa.”

Nguồn: bioplasticsmagazine.com

Tin liên quan