Chuyển động thị trường phân hủy sinh học Tin tức

Các nhà khoa học Anh phát triển công nghệ enzyme để sản xuất nhựa sinh học

Một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại London (Anh), FabricNano, hiện đang phát triển công nghệ sản xuất nhựa không sử dụng dầu mỏ và khí đốt, nhằm giúp các loại hóa chất bền vững, có nguồn gốc sinh học trở nên phổ biến hơn.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, ngành hóa chất hiện là ngành công nghiệp tiêu thụ dầu mỏ và khí đốt nhiều nhất trên thế giới. Theo đó, các nhà nghiên cứu tại FabricNano đang phát triển công nghệ enzyme – một chất xúc tác tự nhiên thường được tạo ra từ một loại protein có khả năng làm tăng tốc độ của các phản ứng hóa học, nhằm sản xuất nhựa sinh học. Giải pháp được kỳ vọng sẽ giúp ngành công nghiệp hóa chất toàn cầu chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Grant Aarons, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập của FabricNano cho biết: “Protein là những cỗ máy tuyệt vời, có khả năng thực hiện các hoạt động hóa học mà chúng ta tìm thấy trong tự nhiên và sinh học. Về cơ bản, một loại protein có thể thực hiện bất kỳ quá trình sản xuất vật chất và sản xuất hóa chất nào mà chúng ta có thể nghĩ đến ngày nay”.

FabricNano là công ty chuyên về sản xuất sinh học không tế bào – một quá trình thiết kế các quy trình sinh học bên ngoài tế bào để tạo ra sản phẩm, vật liệu sinh học, nhiên liệu sinh học và hóa chất.

Sản xuất sinh học sử dụng các hệ thống sinh học như vi sinh vật sống và enzyme để tạo ra các phân tử được sử dụng trong ngành nông nghiệp, thực phẩm, vật liệu, năng lượng và dược phẩm.

FabricNano cho rằng, việc sử dụng enzyme có thể chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của ngành công nghiệp hóa chất trong sản xuất các sản phẩm như nhựa hoặc dược phẩm. Theo đại diện công ty, chi phí sản xuất các loại sản phẩm hóa dầu bao gồm cả nhựa hiện đang ở mức thấp bởi nhiên liệu hóa thạch có giá thành rẻ.

Eliza Eddison, đồng sáng lập kiêm Phó Giám đốc Điều hành tại FabricNano cho biết: “Để có bước đột phá, bạn cần tạo ra một quy trình enzym phù hợp với quá trình sản xuất”.

Công nghệ enzyme đã được sử dụng để tạo ra hóa chất và thực phẩm, nhưng việc ứng dụng chúng vào quy trình sản xuất công nghiệp và biến chúng thành nhựa, sơn hoặc dược phẩm mà không sử dụng nguyên liệu hóa thạch cũng có thể là một giải pháp tiềm năng.

“Chúng ta cần những vật liệu tốt hơn, thân thiện hơn với lối sống của chúng ta trên hành tinh Trái đất. Nhưng chúng ta cần tạo ra sự thay đổi có hệ thống và chúng ta cần có nhiều giải pháp để giải quyết một số vấn đề mà chúng ta đang phải đối mặt hiện nay”, Aarons cho biết.

(Nguồn Euronews: https://www.euronews.com/next/2023/04/30/plastics-without-pollution-lab-made-enzymes-could-be-key-to-creating-new-bioplastics)

Tin liên quan