Một nét AnEco tại Hội thảo “Quản lý chất thải nhựa ngành nông nghiệp, thực trạng và giải pháp”

Thúc đẩy giải pháp giảm thiểu chất thải nhựa ngành nông nghiệp; huy động nguồn lực tạo sự chuyển biến trong hoạt động sản xuất; phát triển nền nông nghiệp có trách nhiệm, hiện đại, hiệu quả và bền vững; hướng tới nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu… là những chia sẻ tại Hội thảo “Quản lý chất thải nhựa ngành nông nghiệp, thực trạng và giải pháp” diễn ra sáng nay 31/05 tại Hà Nội.

Hội thảo do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng UNDP Việt Nam, Chương trình đối tác hành động Quốc gia về Nhựa (NPAP) và Mạng lưới Kinh tế tuần hoàn Việt Nam tổ chức, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến và Trưởng đại diện thường trú của UNDP Việt Nam Ramla Al Khalidi. Đây là một trong chuỗi hoạt động của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hưởng ứng kỷ niệm 45 năm ngày Môi trường thế giới năm 2023 với chủ đề “Giải pháp cho ô nhiễm nhựa”.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Trưởng đại diện thường trú UNDP Việt Nam chủ trì hội thảo

Tại hội thảo, đại diện các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp, Chi cục Thủy sản, Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật một số địa phương đã giới thiệu một số các giải pháp giảm thiểu chất thải nhựa, như: Mô hình thu gom rác thải nhựa trên tàu cá, kết nối với Cơ sở thu hồi vật liệu tại Quy Nhơn (Bình Định); mô hình chuyển đổi phao xốp trong nuôi trồng thủy sản sang vật liệu nổi theo quy chuẩn QCĐP 08:2020/QN đang triển khai tại Quảng Ninh (giúp thay thế dần vật liệu nhựa dùng một lần, khó thu gom và tái sử dụng bằng vật liệu đã tái chế, thân thiện với môi trường); mô hình thu gom rác thải nhựa trên tàu cá xa bờ tại Quảng Bình; mô hình thu gom rác thải nhựa trong sản xuất nông nghiệp tại Thái Bình…

Để thực hiện thành công kế hoạch quốc gia về giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành nông nghiệp và thủy sản, Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, Bà Ramla Khalidi khuyến nghị rằng chúng ta nên “Một, đẩy nhanh các giải pháp hiệu quả hướng tới kế hoạch quốc gia. Hai, xây dựng dữ liệu cơ sở về ô nhiễm nhựa và chất thải nhựa, cũng như hệ thống giám sát khả thi từ cấp quốc gia đến cấp tỉnh để đánh giá quá trình giảm thiểu chất thải nhựa trong lĩnh vực nông nghiệp. Ba, thúc đẩy những mô hình thu gom và tái chế hiệu quả, sử dụng vật liệu đóng gói thay thế cho nhựa dùng một lần trên đồng ruộng. Và cuối cùng, tập huấn người dân và các bên liên quan trong nông nghiệp về tác động đến môi trường của nhựa, cũng như sự sẵn có của các giải pháp thay thế”.

Hội thảo có sự tham gia của các Lãnh đạo, cán bộ đại diện ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ cấp trung ương đến địa phương tại 63 tỉnh thành, cùng khách mời từ các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, hiệp hội, và các tổ chức nghiên cứu trong lĩnh vực liên quan.

Tại sự kiện, gian trưng bày các sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn của AnEco đã thu hút sự chú ý của khách tham quan. Đặc biệt, các sản phẩm như lưới đánh cá, màng phủ nông nghiệp được đánh giá là giải pháp tiềm năng cho ngành nông nghiệp giảm thiểu rác thải nhựa.

Một số hình ảnh gian hàng AnEco tại sự kiện:

G7 cam kết chấm dứt ô nhiễm nhựa vào năm 2040

Nhóm G7 – Diễn đàn của 7 quốc gia có nền kinh tế phát triển lớn nhất thế giới, bao gồm Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Mỹ, Anh và Canada đã đưa ra tuyên bố chung cam kết chấm dứt ô nhiễm nhựa vào năm 2040, bao gồm các biện pháp nhằm giảm vi nhựa và loại bỏ dần các loại nhựa không có khả năng tái chế và các chất phụ gia “có hại”.

Đặc phái viên về khí hậu của Hoa Kỳ John Kerry gặp người đồng cấp Nhật Bản Akihiro Nishimura tại cuộc họp G7 ở Sapporo (Nhật Bản)

Tuyên bố chung được đưa ra vào ngày 16/4 vừa qua, cùng với sự đồng thuận của các cuộc đàm phán về hiệp ước nhựa toàn cầu, vòng đàm phán thứ 2 dự kiến diễn ra vào tháng 5 tại Paris, Pháp.

Trước đây, G7 đã đưa ra các tuyên bố về ô nhiễm nhựa, bao gồm các điều lệ về nhựa đại dương vào năm 2018, tuy nhiên vào thời điểm đó không đạt được sự đồng thuận của Hoa Kỳ và Nhật Bản. Nhưng tuyên bố lần này đã đạt sự đồng thuận của tất cả 7 nước trong nhóm G7 và các nước Châu Âu tham dự. Thông báo được đưa ra vào ngày làm việc cuối cùng của Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng và Môi trường nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới tại thành phố Sapporo, Nhật Bản.

Mặc dù các tuyên bố của G7 không mang tính ràng buộc nhưng tuyên bố cũng cho biết các quốc gia sẽ “đẩy mạnh hành động dựa trên các phương thức tiếp cận toàn diện, thúc đẩy tiêu dùng và sản xuất nhựa bền vững, nâng cao tính tuần hoàn trong nền kinh tế và quản lý chất thải thân thiện với môi trường.”

Một số các thông tin khác về thông cáo:

“Chi tiết bao gồm những hành động: giải quyết vấn đề nhựa sử dụng một lần, các loại nhựa không thể tái chế cũng như loại có chứa chất phụ gia có hại thông qua các biện pháp như loại bỏ dần, giảm sản xuất và tiêu thụ, áp dụng các công cụ để tự xử lý nội bộ các chi phí do ô nhiễm nhựa gây ra và giải quyết từ gốc đến ngọn các vấn đề của vi nhựa.”

Trước đó, vào ngày 16 tháng 4, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã chia sẻ trên mạng xã hội, bày tỏ sự tán thành với các tuyên bố của G7. Cụ thể, ông tán thành các cuộc đàm phán tại Tổ chức Hàng hải Quốc tế về việc đánh dấu và báo cáo ngư cụ bị bỏ rơi, đây được coi là một nguồn macroplastic lớn trong đại dương.

Liên quan đến hiệp ước, G7 cho biết họ mong muốn các nhà đàm phán xem xét “tác động tiêu cực của ô nhiễm nhựa đối với môi trường và nền kinh tế cũng như các rủi ro liên quan đến sức khỏe con người, và tầm quan trọng của nhựa trong xã hội”, đồng thời cho biết họ muốn đi đến kết quả và kết thúc đàm phán vào cuối năm 2024.

Tuyên bố của các Bộ trưởng khí hậu, năng lượng và môi trường G7 được đưa ra trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh G7 diễn ra từ ngày 19 – 21/05/2023 tại Hiroshima.

Nguồn: sustainableplastics.com

ĐHĐCĐ thường niên Nhựa An Phát Xanh 2023: Thông qua kế hoạch lợi nhuận 500 tỷ đồng

Ngày 15/5, CTCP Nhựa An Phát Xanh (mã chứng khoán: AAA) đã tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên năm 2023. Theo đó, ĐHĐCĐ đã thông qua kế hoạch doanh thu hợp nhất năm 2023 là 12.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 500 tỷ đồng, dự kiến chi trả 15% cổ tức cho cổ đông, cùng nhiều nội dung quan trọng khác. 

Về kết quả kinh doanh năm 2022, AAA ghi nhận doanh thu hợp nhất 15.290 tỷ đồng, tăng 16,3% so với năm 2021, chủ yếu do giá hạt nhựa tăng trong nửa đầu năm 2022. Lợi nhuận gộp năm 2022 đạt 1.086 tỷ đồng.  

Mặc dù kinh tế toàn cầu bị tác động bởi nhiều yếu tố như xung đột và lạm phát kéo dài, giá hạt nhựa biến động bất thường ảnh hưởng tới mảng kinh doanh thương mại hạt nhựa của Nhựa An Phát Xanh, nhưng nhờ các quyết sách kịp thời của HĐQT, các mảng kinh doanh cốt lõi bao gồm: sản xuất bao bì, hạt phụ gia, bất động sản khu công nghiệp, dịch vụ, vẫn duy trì ổn định. Theo đó, lợi nhuận gộp mảng sản xuất đạt 915 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2021, mảng BĐS KCN đạt 118 tỷ đồng, tương đương năm 2021, mảng dịch vụ đạt 48 tỷ đồng, tăng 44% so với năm 2021. Công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 117 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 153 tỷ đồng.  

Về kế hoạch hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2023, Đại hội đã thông qua kế hoạch doanh thu hợp nhất 12.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 500 tỷ đồng. Trong thời gian tới, AAA sẽ tiếp tục khẳng định vị thế doanh nghiệp hàng đầu trong ngành nhựa bao bì Việt Nam, đồng thời mở rộng kinh doanh tại các lĩnh vực cốt lõi khác như bất động sản khu công nghiệp, bao bì, nguyên vật liệu ngành nhựa và logistics. Mục tiêu năm 2023, AAA sẽ tập trung vào quản trị rủi ro mảng kinh doanh thương mại hạt nhựa, cũng như đẩy mạnh bàn giao, ghi nhận doanh thu từ mảng kinh doanh bất động sản khu công nghiệp.

ĐHĐCĐ thông qua kế hoạch doanh thu 12.500 tỷ đồng trong năm 2023 cùng nhiều nội dung quan trọng khác

Để đạt được mục tiêu đề ra, Ban lãnh đạo công ty khẳng định, AAA sẽ thực hiện quyết liệt các giải pháp và chiến lược kinh doanh; tối ưu hóa danh mục sản phẩm, thị trường hiện hữu, tập trung khai thác các thị trường và sản phẩm có hiệu quả cao, biên lợi nhuận tốt, đồng thời tận dụng cơ hội từ hồi phục kinh tế toàn cầu và chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam để đẩy mạnh các thị trường xuất khẩu, trong đó Hoa Kỳ là thị trường trọng tâm chiến lược. Ngoài ra, công ty sẽ đẩy mạnh việc mở rộng thị trường sản phẩm bao bì sinh học phân hủy hoàn toàn, thân thiện với môi trường, mở rộng danh mục sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng.  

Bên cạnh đó, AAA sẽ tiếp tục đầu tư nguồn lực cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển, khuyến khích và triển khai các sáng kiến cải tiến sản xuất nhằm nâng cao năng suất lao động, cải thiện chất lượng sản phẩm. 

Ngoài ra, nhằm hiện thực hóa mục tiêu về phát triển bền vững, Nhựa An Phát Xanh sẽ tiếp tục đẩy mạnh truyền thông đại chúng thương hiệu AnEco và nâng cao ý thức về phòng chống rác thải nhựa, phối hợp chặt chẽ giữa marketing và bán hàng để lan tỏa thói quen tiêu dùng xanh trong cộng đồng xã hội.  

Về công tác quản trị nguồn nhân lực, AAA chú trọng đạo tào, chuẩn bị đội ngũ lãnh đạo tương lai, sẵn sàng cho các kế hoạch phát triển của công ty, đồng thời rà soát, tinh gọn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hiện có và và tạo ra môi trường làm việc năng động, chuyên nghiệp, lan tỏa văn hóa doanh nghiệp mang bản sắc riêng. 

Nhựa An Phát Xanh tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên năm 2023

Ngoài các vấn đề trên, Đại hội cũng thông qua phương án dự kiến cổ tức năm 2023 với tỷ lệ chi trả cổ tức là 15%/mệnh giá, miễn nhiệm chức danh thành viên HĐQT đối với ông Đinh Xuân Cường và bầu bổ sung bà Hòa Thị Thu Hà là thành viên HĐQT. 

Nhật Bản phát triển loại nhựa sinh học thế hệ mới, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn

Lộ trình hướng tới một nền kinh tế xanh có thể được thúc đẩy bằng việc tăng năng suất các loại cây trồng để cung cấp nguồn cellulose nhằm tạo ra nhựa sinh học, thân thiện với môi trường.

Nằm ở rìa Biển Nhật Bản, thành phố Kanazawa nổi tiếng với hải sản và món sushi. Tuy nhiên, những sinh vật biển tại Kanazawa và nhiều khu vực khác trên khắp hành tinh, đang phải đối mặt với mối đe dọa nghiêm trọng từ ô nhiễm nhựa.

Theo ước tính, có khoảng 14 triệu tấn nhựa bị thải ra đại dương mỗi năm. Động vật hoang dã bao gồm cá và chim có thể tiêu thụ hoặc mắc kẹt trong rác nhựa đại dương.

Kenji Takahashi, kỹ sư hóa học tại Đại học Kanazawa, cảnh báo vấn đề rác thải đại dương đang trở nên trầm trọng hơn bởi thời gian phân hủy thực tế của các loại nhựa có thể lên tới hàng thập kỷ hoặc thậm chí hàng thế kỷ.

Trước thực tế này, một nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học Kanazawa đang nghiên cứu phát triển một loại nhựa thế hệ mới, có nguồn gốc thực vật, thay vì dầu mỏ. Và để đảm bảo vật liệu này có tính khả thi về mặt thương mại, nhóm nghiên cứu hiện đang hợp tác với nhóm tài chính công nghệ của Sumitomo Mitsui Trust Bank.

Nhựa sinh học, được tổng hợp từ đường thực vật hoặc được vi sinh vật, có nhiều lợi ích hơn so với nhựa truyền thống. Theo đó, loại nhựa này có khả năng giảm lượng khí thải carbon, phân hủy sinh học và giúp giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Cellulose, thành phần chính của chất xơ thực vật và là một trong những hợp chất hữu cơ phong phú nhất trên trái đất, là nguyên liệu chính và các nhà khoa học đang tìm cách sử dụng nó để tạo ra nhựa sinh học.

Cellulose bao gồm các chuỗi đơn vị glucose dài được nối với nhau bằng các liên kết vững bền. Takahashi cho biết: “Việc hòa tan hoàn toàn cellulose là điều không hề dễ dàng do liên kết hydro giữa các phân tử và trong phân tử của nó”.

Romain Milotskyi, trợ lý giáo sư tại phòng thí nghiệm của Takahashi, cho biết trong một thời gian dài, không có phương pháp tối ưu để hòa tan cellulose. Các nhà hóa học phải dựa vào các phản ứng dị thể để tạo ra chất dẻo dựa trên cellulose và những hóa chất ăn mòn này cần có nhiệt độ cao, chất xúc tác bổ sung và thời gian phản ứng dài.

Mọi thứ đã thay đổi với sự ra đời của một loại vật liệu mới gọi là chất lỏng ion cách đây 20 năm để giải quyết những vấn đề này, đồng thời trở thành chất xúc tác, không gây độc hại và không bắt lửa.

Năm 2015, phòng thí nghiệm của Takahashi đã chứng minh về cách thức một chất lỏng ion – 1-ethyl-3-methylimidazolium axetat (EmimOAc) – giúp hòa tan cellulose. Cuối năm 2021, họ đã thông báo về việc kết hợp chất lỏng ion với quá trình trộn và các phản ứng trong máy đùn có thể phân hủy cellulose trong vòng vài phút, tạo ra một loại nhựa phân hủy sinh học với hiệu suất phản ứng cao hơn 90%.

 

Milotskyi cho biết: “Chất lỏng ion thực sự cho phép chúng tôi thu được nhiều cellulose hòa tan hơn”. Việc trực tiếp điều chỉnh các nguồn nguyên liệu từ nông nghiệp để sản xuất nhựa sinh học sẽ giúp tận dụng phụ phẩm nông nghiệp, hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn.

Để có thể giải quyết vấn đề rác thải, thì nhựa sinh học sẽ phải được sản xuất hiệu quả trên quy mô lớn. Và để thực hiện điều này, chúng ta phải đảm bảo nguồn nguyên liệu đủ lớn, thông qua việc tăng cường phát triển và sản xuất cây trồng.

Theo Masaki Ito, nhà sinh học phân tử thực vật tại Đại học Kanazawa, lời giải cho vấn đề này nằm ở một cơ chế gọi là tái tạo DNA. Quá trình xảy ra tự nhiên ở hầu hết các loài thực vật có hoa, tạo ra các bản sao bổ sung của DNA trong một tế bào, làm tăng kích thước của tế bào.

Vào năm 2011, phòng thí nghiệm của Ito đã nghiên cứu cách tế bào phân chia và sinh sôi nảy nở ở cây Arabidopsis thì họ tình cờ phát hiện ra những cây đột biến có tế bào lớn đặc biệt do sao chép bộ gen.

Ông giải thích: “Đó là khi chúng tôi nảy ra ý tưởng rằng quá trình nhân đôi của DNA có thể có lợi cho quá trình nhân giống cây trồng,” cung cấp thêm nguyên liệu thô cho quá trình sản xuất nhựa sinh học.

Trong số các loại cây trồng, củ cải đường là nguyên liệu đặc biệt quan trọng để sản xuất nhựa sinh học, bởi vì phụ phẩm nông nghiệp của nó là nguyên liệu đầu vào lý tưởng. Mục tiêu cuối cùng của nhóm Ito là kích thích sự tăng trưởng củ cải đường bằng cách điều chỉnh kích thước và số lượng tế bào, từ đó gia tăng sản xuất nguồn nguyên liệu để sản xuất nhựa sinh học mà không cần mở rộng diện tích canh tác.

Hiện nhóm của Takahashi đang nghiên cứu phương pháp tạo ra nhựa sinh học từ chất thải nông nghiệp, chẳng hạn như thân chuối và bột củ cải đường. Hiện nhóm này đang trong giai đoạn hợp tác ban đầu với một nhà bán lẻ xa xỉ đa quốc gia và một công ty về sản phẩm tắm để tạo ra các sản phẩm bền vững thế hệ mới, chẳng hạn như chai polyetylen làm từ bột thân chuối. Đối với Takahashi, những sự hợp tác này là một dấu hiệu tích cực, báo hiệu sự khởi đầu của việc “tạo ra một xã hội xanh, bền vững”.

(Nguồn Nature: https://www.nature.com/articles/d42473-023-00006-x)

Các nhà khoa học Anh phát triển công nghệ enzyme để sản xuất nhựa sinh học

Một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại London (Anh), FabricNano, hiện đang phát triển công nghệ sản xuất nhựa không sử dụng dầu mỏ và khí đốt, nhằm giúp các loại hóa chất bền vững, có nguồn gốc sinh học trở nên phổ biến hơn.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, ngành hóa chất hiện là ngành công nghiệp tiêu thụ dầu mỏ và khí đốt nhiều nhất trên thế giới. Theo đó, các nhà nghiên cứu tại FabricNano đang phát triển công nghệ enzyme – một chất xúc tác tự nhiên thường được tạo ra từ một loại protein có khả năng làm tăng tốc độ của các phản ứng hóa học, nhằm sản xuất nhựa sinh học. Giải pháp được kỳ vọng sẽ giúp ngành công nghiệp hóa chất toàn cầu chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Grant Aarons, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập của FabricNano cho biết: “Protein là những cỗ máy tuyệt vời, có khả năng thực hiện các hoạt động hóa học mà chúng ta tìm thấy trong tự nhiên và sinh học. Về cơ bản, một loại protein có thể thực hiện bất kỳ quá trình sản xuất vật chất và sản xuất hóa chất nào mà chúng ta có thể nghĩ đến ngày nay”.

FabricNano là công ty chuyên về sản xuất sinh học không tế bào – một quá trình thiết kế các quy trình sinh học bên ngoài tế bào để tạo ra sản phẩm, vật liệu sinh học, nhiên liệu sinh học và hóa chất.

Sản xuất sinh học sử dụng các hệ thống sinh học như vi sinh vật sống và enzyme để tạo ra các phân tử được sử dụng trong ngành nông nghiệp, thực phẩm, vật liệu, năng lượng và dược phẩm.

FabricNano cho rằng, việc sử dụng enzyme có thể chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của ngành công nghiệp hóa chất trong sản xuất các sản phẩm như nhựa hoặc dược phẩm. Theo đại diện công ty, chi phí sản xuất các loại sản phẩm hóa dầu bao gồm cả nhựa hiện đang ở mức thấp bởi nhiên liệu hóa thạch có giá thành rẻ.

Eliza Eddison, đồng sáng lập kiêm Phó Giám đốc Điều hành tại FabricNano cho biết: “Để có bước đột phá, bạn cần tạo ra một quy trình enzym phù hợp với quá trình sản xuất”.

Công nghệ enzyme đã được sử dụng để tạo ra hóa chất và thực phẩm, nhưng việc ứng dụng chúng vào quy trình sản xuất công nghiệp và biến chúng thành nhựa, sơn hoặc dược phẩm mà không sử dụng nguyên liệu hóa thạch cũng có thể là một giải pháp tiềm năng.

“Chúng ta cần những vật liệu tốt hơn, thân thiện hơn với lối sống của chúng ta trên hành tinh Trái đất. Nhưng chúng ta cần tạo ra sự thay đổi có hệ thống và chúng ta cần có nhiều giải pháp để giải quyết một số vấn đề mà chúng ta đang phải đối mặt hiện nay”, Aarons cho biết.

(Nguồn Euronews: https://www.euronews.com/next/2023/04/30/plastics-without-pollution-lab-made-enzymes-could-be-key-to-creating-new-bioplastics)

Các nhà khoa học Uganda phát minh ra nhựa sinh học làm từ chất thải nông nghiệp

Các nhà khoa học nông nghiệp Uganda vừa phát minh ra loại nhựa có thể phân hủy sinh học từ chất thải nông trại. Vật liệu mới này sẽ được sử dụng để sản xuất màng bọc cây con nhằm thay thế loại nhựa không thể phân hủy sinh học mà nhiều vườn ươm cây giống đang sử dụng và gây suy thoái môi trường.  

Phát minh mới này được các nhà khoa học từ Viện nghiên cứu tài nguyên cây trồng nông nghiệp quốc gia (NaCRRI) ở quận Wakiso công bố vào tháng 3/2023. Đây là kết quả hợp tác giữa các nhà khoa học Uganda và Đại học Bangor, Vương quốc Anh, với khoản tài trợ trị giá 80.000 bảng Anh từ chính phủ Anh trong 10 tháng. 

Tiến sĩ Ephraim Nuwamanya, người đứng đầu bộ phận hóa sinh tại NaCRRI cho biết, “Nhu cầu sản xuất nhựa có khả năng phân hủy sinh học trong thời gian ngắn là rất lớn, nhằm mục tiêu bảo vệ môi trường”. Hiện các vườn ươm đang sử dụng hàng triệu tấn nhựa, sau đó thải bỏ vào đất canh tác, gây ra suy thoái đất. 

Theo ông Nuwamanya, loại nhựa sinh học này có thể được sản xuất bằng cách tận dụng chất thải nông nghiệp như vỏ chuối và sắn, chất thải ngô, rơm lúa mì, rơm rạ… 

Theo số liệu thống kê của Tổ chức Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc gia (Naro), Uganda tạo ra khoảng 1,4 triệu tấn chất thải nông nghiệp mỗi năm. Chính vì thế, các nhà khoc học NaCRRI đã đưa ra khái niệm xử lý nhựa phân hủy sinh học chuyên dùng để làm màng bọc cây con trong các vườn ươm. 

Quy trình sản xuất nhựa phân hủy sinh học 

Trong quá trình phát triển sản phẩm, nhóm nghiên cứu đã thu gom chất thải nông nghiệp bao gồm sắn, ngô, chuối và lúa miến từ các cánh đồng của nông dân. Những vật liệu này sau đó được phơi khô và nghiền thành bột trước khi được trộn với nước và natri clorua. Dung dịch sau đó được làm nóng, để tạo ra một hỗn hợp sệt. 

Hỗn hợp này sẽ được đưa qua một thiết bị chuyên dụng để tạo ra một lớp lót giống như giấy. Sau đó được đưa vào lò sấy khô. Hỗn hợp này sau đó được nhúng vào gel lụa và sấy khô một lần nữa. Kết quả cuối cùng là sản phẩm nhựa sinh học. 

Quá trình này được thực hiện tại Đại học Bangor ở Vương quốc Anh, nơi có đầy đủ trang thiết bị máy móc để phục vụ sản xuất. Tại đây, hơn 90 mét tấm nhựa phân hủy sinh học được tạo ra và  sau đó chuyển đến Uganda. 

Ưu điểm của nhựa sinh học  

Theo các nhà khoa học, loại nhựa này được sử dụng để làm màng bọc cây con vì nó có thể dễ dàng phân hủy trong vòng 6 tháng và bổ sung chất dinh dưỡng cho đất. 

Nếu được triển khai đại trà, dự án này sẽ mang lại nguồn thu nhập cho nông dân Uganda vì nhà sản xuất sẽ thu mua chất thải nông nghiệp từ nông dân. 

Hiện các nhà khoa học đang đăng kí quyền sở hữu trí tuệ với Cục Tiêu chuẩn Uganda để có thể sớm triển khai công nghệ mới này, đồng thời kêu gọi khu vực tư nhân tham gia vì mục đích thương mại hóa. 

(Nguồn Famers Review Africa: https://farmersreviewafrica.com/uganda-scientists-invent-bioplastics-for-wrapping-nursery-seedlings-from-farm-wastes/) 

Gần 90% người dân Anh kêu gọi chính phủ hỗ trợ ngành nhựa phân hủy sinh học

Theo dữ liệu thống kê mới nhất, phần lớn người trưởng thành tại Vương quốc Anh ủng hộ việc thay thế nhựa thông thường bằng các vật liệu có thể phân hủy, đồng thời kêu gọi chính phủ và chính quyền các địa phương tăng cường khuyến khích việc thu gom bao bì có thể phân hủy. 

Một cuộc khảo sát với 1734 người trưởng thành ở Anh do YouGov thực hiện cho thấy, 89% người được hỏi ủng hộ yêu cầu thu gom tất cả bao bì có thể tái chế hoặc có thể phân hủy từ các hộ gia đình. Cũng theo khảo sát, hơn 60% người dân trên khắp Vương quốc Anh bày tỏ lo ngại về lượng rác nhựa được thải ra từ các hộ gia đình trong hoạt động hàng ngày. 86% người dân ủng hộ việc cho phép thu gom bao bì có thể phân hủy cùng với rác thải thực phẩm. 

Cuộc khảo sát được phối hợp thực hiện với TIPA, một nhà phát triển và sản xuất các lại bao bì có khả năng phân hủy. 

Ngoài việc cải thiện chất lượng dịch vụ thu gom, khảo sát cũng thu thập quan điểm về một loạt các biện pháp can thiệp chính sách khác để góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng rác thải nhựa. Theo đó, 85% người dân ủng hộ việc cấm sử dụng bao bì nhựa ở các nơi sẵn có các loại bao bì có khả năng phân hủy, 70% người dân đánh giá tích cực hơn về các loại sản phẩm được đóng gói trong bao bì có thể phân hủy hoàn toàn. 

Khi được hỏi liệu họ có cảm thấy Chính phủ, các thương hiệu và nhà bán lẻ có đang nỗ lực hết mình để giảm rác thải nhựa hay không (thang điểm từ 0-10), khảo sát cho thấy, hơn một nửa công chúng cho rằng Chính phủ, các thương hiệu và nhà bán lẻ chưa thực sự làm tốt. 

Cụ thể, 49% người được hỏi đánh giá các thương hiệu và nhà bán lẻ đang làm tốt hơn Chính phủ, trong khi 44% đánh giá tốt thành tính của Chính phủ trong nỗ lực giảm rác thải nhựa, với điểm số từ 5 trở lên. 

Đánh giá về kết quả của cuộc khảo sát, Daphna Nissenbaum, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của TIPA, cho biết: “Rác thải nhựa đang làm tắc nghẽn các con sông và đại dương của chúng ta, gây ra những hậu quả khủng khiếp đối với sinh vật biển và môi trường. Thậm chí các hạt vi nhựa đã được tìm thấy trong máu người. 

Thật đáng khích lệ khi công đồng ngày càng quan tâm đến các loại bao bì có khả năng phân hủy, nhưng nếu không có sự đầu tư của chính phủ và khung chính sách phù hợp, thì cơ sở hạ tầng thu gom hiện nay khó có thể đáp ứng được nhu cầu quá lớn của người tiêu dùng đối với bao bì có thể phân hủy. Nếu Chính phủ cam kết đạt được các mục tiêu giảm thiểu nhựa vào năm 2025, Chính phủ nên xem xét hỗ trợ sự phát triển và tăng trưởng của ngành công nghiệp sinh học phân hủy”. 

(Theo nguồn The Circular: https://www.circularonline.co.uk/news/89-of-people-call-on-uk-government-to-support-compostables-as-a-solution-to-plastic-crisis/) 

Tập đoàn Mitsui của Nhật Bản lên kế hoạch xây dựng nhà máy nhựa sinh học trị giá 550 triệu USD

Nhà máy Bio-PET, một trong những nhà máy nhựa sinh học lớn nhất thế giới, dự kiến sẽ góp phần cắt giảm một lượng lớn khí thải carbon. 

Công ty thương mại Nhật Bản Mitsui & Co. đang có kế hoạch xây dựng một nhà máy sản xuất nhựa sinh học ở vùng đông nam nước Mỹ vào năm tới. Nếu kế hoạch này được thông qua, đây sẽ là một trong những nhà máy sản xuất vật liệu đóng gói có nguồn gốc từ thực vật lớn nhất trên thế giới.  

Theo đó, với công suất lên tới 400.000 tấn/năm, nhà máy nhựa PET sinh học (Bio-PET) này có thể đi vào hoạt động vào năm 2025. Vốn đầu tư ước tính khoảng 550 triệu USD. Mitsui đã ký một biên bản ghi nhớ với công ty hóa chất Petron Scienceech có trụ sở tại Mỹ để thiết lập một công ty liên doanh.  

Bio-PET, viết tắt của polyetylen terephthalate gốc sinh học, là một phiên bản nhựa có nguồn gốc thực vật được sản xuất từ ​​nhiên liệu hóa thạch và thường được sử dụng để sản xuất vỏ chai nước. Lượng khí thải carbon dioxide từ nhựa PET sinh học của nhà máy dự kiến sẽ thấp hơn từ 70-80% so với nhựa có nguồn gốc từ dầu mỏ. 

Theo kế hoạch, nhà máy của Mitsui sẽ mua ethanol sinh học làm từ thực vật như ngô Mỹ và mía đường Brazil để sản xuất nhựa PET sinh học. Vỏ chai tái chế sẽ được trộn vào nhựa, sau đó sẽ được bán cho các nhà sản xuất nước giải khát để làm vỏ chai. 

Mitsui cho biết, năng lực sản xuất nhựa PET sinh học toàn cầu hiện đạt khoảng 1 triệu tấn, con số này sẽ tăng vọt nếu nhà máy của Mitsui được xây dựng. 

Các nhà sản xuất đồ uống trên toàn thế giới đã đặt mục tiêu giảm tác động môi trường, chẳng hạn như bằng cách tăng cường sử dụng vật liệu tái chế trong bao bì, nhưng điều đó đòi hỏi phải có cơ sở hạ tầng để thu gom các loại vỏ chai. Do đó, nhựa PET sinh học sẽ là một giải pháp lý tưởng cho vấn đề này.  

Theo nguồn Nikkei Asiahttps://asia.nikkei.com/Business/Companies/Japan-s-Mitsui-eyes-building-550m-U.S.-bioplastics-plant 

ĐH Kinh tế Quốc dân và Trường Ngee Ann Polytechnic Singapore thăm quan nhà máy Nhựa An Phát Xanh

Ngày 22/03/2023, trong khuôn khổ chương trình hợp tác, tổ chức khóa học trao đổi ngắn hạn giữa Đại học Kinh tế Quốc dân và Trường Ngee Ann Polytechnic Singapore với mục tiêu tìm hiểu kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam, sinh viên hai trường đã có chuyến thăm quan thực tế tại nhà máy Nhựa An Phát Xanh (AAA), thành viên của Tập đoàn An Phát Holdings tại Hải Dương.

Tiếp đón đoàn có ông Nguyễn Lê Thăng Long – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn An Phát Holdings, Chủ tịch HĐQT Nhựa An Phát Xanh.

Tại sự kiện, thay mặt ban lãnh đạo, ông Nguyễn Lê Thăng Long nhiệt liệt chào đón các thầy cô và hơn 80 bạn sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân và trường Ngee Ann Polytechnic Singapore. Ông Nguyễn Lê Thăng Long đã chia sẻ về hệ sinh thái Tập đoàn, quá trình phát triển và định hướng sản xuất, kinh doanh của An Phát Holdings nói chung và Nhựa An Phát Xanh nói riêng trong thời gian tới. Ngoài ra, ông Long cũng giới thiệu chi tiết về thương hiệu AnEco – dòng sản phẩm nhựa phân hủy sinh học chủ lực của Nhựa An Phát Xanh.

Sau khi lắng nghe những chia sẻ từ ông Nguyễn Lê Thăng Long, nhiều bạn sinh viên đã đặt câu hỏi về sản phẩm AnEco cũng như các lĩnh vực kinh doanh của An Phát Holdings.

Một số sinh viên thắc mắc: Sản phẩm phân hủy sinh học là gì? Quá trình phân hủy của các sản phẩm AnEco diễn ra như thế nào? Ngoài ra, nhiều bạn sinh viên cũng đặt câu hỏi tại sao sản phẩm AnEco hầu như chỉ được bán tại thị trường nước ngoài? Tại thị trường Việt Nam thì sao?

Mọi thắc mắc của các bạn sinh viên đều được ông Long giải đáp thông qua những ví dụ sinh động, dễ hiểu. Theo ông Long chia sẻ, hiện sản phẩm AnEco đang được bán tại Việt Nam thông qua các sàn thương mại điện tử, và một số đối tác lớn là các doanh nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống (F&B) nổi tiếng như: Vinamilk, Pizza 4P’s…

Các sinh viên cũng rất ấn tượng trước chiến lược phát triển “xanh” của An Phát Holdings cũng như mô hình sản xuất tự động hóa với sự trợ giúp của hệ thống robot hiện đại tại nhà máy Nhựa An Phát Xanh. Với niềm đam mê dành cho công nghệ, nhiều bạn sinh viên còn bày tỏ mong muốn được có cơ hội thực tập hoặc “đầu quân” vào Tập đoàn sau khi tốt nghiệp.
Sau phần trao đổi sôi nổi tại hội trường, các thầy cô và các bạn sinh viên đã thăm quan dây chuyền sản xuất sản phẩm bao bì màng mỏng và sản phẩm xanh tại nhà máy.

Một số hình ảnh tại sự kiện:

 

New Zealand yêu cầu trái cây phải được dán các loại nhãn có khả năng phân hủy sinh học

Chính phủ New Zealand đã thông qua luật hạn chế bán các sản phẩm nhựa, bao gồm cả những loại nhãn dán sản phẩm không có khả năng phân hủy. Các loại nhãn dán dùng cho trái cây và rau củ quả sản xuất trong nước bắt buộc phải là loại có khả năng phân hủy sinh học hoàn toàn kể từ 2023, còn các loại sản phẩm nhập khẩu cần đổi sang loại nhãn dán sinh học từ giữa năm 2025.

Từ giữa năm 2022, chính phủ New Zealand đã được Nghị Viện thông qua các Quy định về giảm thiểu chất thải (nhựa và các sản phẩm liên quan). Luật này được ban hành nhằm mục tiêu bảo vệ đời sống thực vật và bảo vệ môi trường thông qua việc cấm một số sản phẩm nhựa. Tất cả các điều khoản trong quy định này sẽ chính thức có hiệu lực đầy đủ vào năm 2025.

Các đơn vị chịu ảnh hưởng của quy định này bao gồm:

  • Nhà sản xuất
  • Doanh nghiệp kinh doanh các loại sản phẩm nhựa bị cấm (bao gồm cả việc cung cấp miễn phí)
  • Doanh nghiệp ngành dịch vụ khách hàng cung cấp các sản phẩm bị cấm

Trong đó, chính phủ New Zealand công bố 3 giai đoạn chính trong lộ trình giảm thiểu rác thải nhựa, trong đó giai đoạn 1 đã bắt đầu từ tháng 10 năm 2022, giai đoạn 2 có hiệu lực vào năm 2023 và giai đoạn cuối cùng sẽ diễn ra vào giữa năm 2025.

Giai đoạn 1:

Cách sản phẩm sau đây hoàn toàn bị cấm sản xuất và kinh doanh tại New Zealand từ 01/10/2022:

  1. Que khuấy nhựa
  2. Que tăm bông nhựa
  3. Các sản phẩm nhựa phân rã
  4. Khay, hộp nhựa PVC
  5. Các loại bao bì đồ uống và thực phẩm mang đi từ polystyrene, vd như khay sushi và hộp xốp, cốc, bát, đĩa xốp và một số loại túi đựng thực phẩm khác
Các sản phẩm nhựa bị cấm trong giai đoạn 1 vào tháng 10/2022 và các lựa chọn thay thế tối ưu

Giai đoạn 2

Các sản phẩm nhựa dùng một lần sẽ nằm trong lộ trình bị cấm vào tháng 7 năm 2023. Các tài liệu của Chính phủ New Zealand xác định rõ và giải thích chi tiết về các sản phẩm cần loại bỏ cũng như đề xuất các lựa chọn thay thế cho các sản phẩm này, chi tiết như sau:

  1. Cuộn túi nylon đựng thực phẩm: Bạn sẽ tìm thấy chúng ở các quầy rau củ và hoa quả trong siêu thị, chúng có thể là dạng túi có thể tái chế, túi phân rã hay túi sinh học phân hủy hoàn toàn. Các lựa chọn thay thế bao gồm các loại túi có thể tái sử dụng hoặc túi giấy. Dạng bao bì được đóng gói sẵn trước khi bày bán không thuộc phạm vi áp dụng của giai đoạn 1.
  2. Bộ đồ ăn bằng nhựa: Các bộ đồ ăn bằng nhựa dùng một lần: đĩa, bát, khay, dao thìa dĩa, xiên, đũa… (làm từ tất cả các loại nhựa: nhựa có thể tái chế, có thể phân hủy hoặc phân hủy sinh học) được kinh doanh phục vụ mục đích ăn uống. Các giải pháp thay thế được đề xuất là các bộ đồ ăn có thể tái sử dụng, các loại sản phẩm bằng giấy, bìa cứng hoặc tre. Các hộp đựng thức ăn bằng nhựa hay các sản phẩm bằng giấy có lót nhựa không bị loại trừ trong giai đoạn này.
  3. Ống hút: Tất cả các loại ống hút nhựa đều sẽ bị cấm, các đơn vị được đề xuất ngừng cung cấp ống hút hoặc sử dụng các loại ống hút bằng giấy/ có thể ăn được/ bằng silicon có thể tái sử dụng/ bằng tre hoặc bằng kim loại
  4. Các loại nhãn dán không có khả năng phân hủy tại vườn nhà: Các loại nhãn làm từ nhựa được sử dụng để dán nhãn trên các loại rau củ quả tại New Zealand, các sản phẩm này được làm phần lớn hoặc 1 phần từ nhựa, không có khả năng phân hủy sinh học tại vườn nhà. Giải pháp thay thế là sử dụng các nhãn dán sinh học phân hủy hoàn toàn hoặc đặt các bảng thông tin trực tiếp tại điểm bán. Nhãn dán cho các sản phẩm nhập khẩu tạm thời chưa bị cấm cho đến giữa năm 2025. Giai đoạn 2 không bao gồm nhãn dán cho các sản phẩm xuất khẩu từ New Zealand.

Lưu ý: Các sản phẩm được coi là có khả năng phân hủy tại vườn nhà là khi chúng đáp ứng một trong các tiêu chuẩn sau: Chứng nhận AS 5810 – 2010 và thông số kỹ thuật NF T51-800  chứng nhận cho các loại nhựa sinh học phù hợp để chôn ủ tại nhà.

Giai đoạn 3

Đây là giai đoạn cuối hoàn tất lộ trình giảm thiểu rác thải nhựa dùng 1 lần của chính phủ New Zealand vào khoảng giữa năm 2025, chi tiết như sau:

  1. Tất cả bao bì thực phẩm và đồ uống bằng PVC và polystyrene: khay, hộp đựng (có nắp và không nắp), gói, bát, cốc, các loại màng bọc được bán dưới dạng bao bì chứa các loại thực phẩm và đồ uống được làm từ polyvinyl chloride (PVC) và polystyrene, ví dụ như các hộp và khay đựng bánh quy, chai sữa… Các sự lựa chọn thay thế tiềm năng được đề xuất là các bao bì tái sử dụng, nhựa tái chế (loại 1,2, 5) hoặc bao bì giấy.
  2. Nhãn dán: Chính phủ New Zealand lên kế hoạch áp dụng hạn chế với các loại nhãn dán không có khả năng phân hủy sinh học dựa trên 2 giai đoạn đã triển khai trước đó.

Đối với các sản phẩm trong nước, chính phủ đang lên kế hoạch cho giai đoạn chuyển tiếp đến giữa năm 2025. Nhằm giúp các nhà sản xuất thích ứng, chính phủ yêu cầu:

  • Nhãn có các thông tin dành cho mục đích sử dụng (nước xuất xứ, PLU, cơ sở dữ liệu, xác thực thương hiệu, nhận dạng mặt hàng).
  • Tối thiểu nhãn phải có chứng chỉ ủ phân công nghiệp.
  • Nhãn dán được khuyến khích có khả năng ủ phân hỗn hợp tại nhà.
  • Cho phép sử dụng nhãn dán có thể phân hủy hoàn toàn tại nhà đang trong quá trình xin chứng nhận cuối cùng.

Nguồn: mfe.govt.nz/actsandregulations