Chuyển động thị trường phân hủy sinh học Tin tức

G7 cam kết chấm dứt ô nhiễm nhựa vào năm 2040

Nhóm G7 – Diễn đàn của 7 quốc gia có nền kinh tế phát triển lớn nhất thế giới, bao gồm Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Mỹ, Anh và Canada đã đưa ra tuyên bố chung cam kết chấm dứt ô nhiễm nhựa vào năm 2040, bao gồm các biện pháp nhằm giảm vi nhựa và loại bỏ dần các loại nhựa không có khả năng tái chế và các chất phụ gia “có hại”.

Đặc phái viên về khí hậu của Hoa Kỳ John Kerry gặp người đồng cấp Nhật Bản Akihiro Nishimura tại cuộc họp G7 ở Sapporo (Nhật Bản)

Tuyên bố chung được đưa ra vào ngày 16/4 vừa qua, cùng với sự đồng thuận của các cuộc đàm phán về hiệp ước nhựa toàn cầu, vòng đàm phán thứ 2 dự kiến diễn ra vào tháng 5 tại Paris, Pháp.

Trước đây, G7 đã đưa ra các tuyên bố về ô nhiễm nhựa, bao gồm các điều lệ về nhựa đại dương vào năm 2018, tuy nhiên vào thời điểm đó không đạt được sự đồng thuận của Hoa Kỳ và Nhật Bản. Nhưng tuyên bố lần này đã đạt sự đồng thuận của tất cả 7 nước trong nhóm G7 và các nước Châu Âu tham dự. Thông báo được đưa ra vào ngày làm việc cuối cùng của Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng và Môi trường nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới tại thành phố Sapporo, Nhật Bản.

Mặc dù các tuyên bố của G7 không mang tính ràng buộc nhưng tuyên bố cũng cho biết các quốc gia sẽ “đẩy mạnh hành động dựa trên các phương thức tiếp cận toàn diện, thúc đẩy tiêu dùng và sản xuất nhựa bền vững, nâng cao tính tuần hoàn trong nền kinh tế và quản lý chất thải thân thiện với môi trường.”

Một số các thông tin khác về thông cáo:

“Chi tiết bao gồm những hành động: giải quyết vấn đề nhựa sử dụng một lần, các loại nhựa không thể tái chế cũng như loại có chứa chất phụ gia có hại thông qua các biện pháp như loại bỏ dần, giảm sản xuất và tiêu thụ, áp dụng các công cụ để tự xử lý nội bộ các chi phí do ô nhiễm nhựa gây ra và giải quyết từ gốc đến ngọn các vấn đề của vi nhựa.”

Trước đó, vào ngày 16 tháng 4, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã chia sẻ trên mạng xã hội, bày tỏ sự tán thành với các tuyên bố của G7. Cụ thể, ông tán thành các cuộc đàm phán tại Tổ chức Hàng hải Quốc tế về việc đánh dấu và báo cáo ngư cụ bị bỏ rơi, đây được coi là một nguồn macroplastic lớn trong đại dương.

Liên quan đến hiệp ước, G7 cho biết họ mong muốn các nhà đàm phán xem xét “tác động tiêu cực của ô nhiễm nhựa đối với môi trường và nền kinh tế cũng như các rủi ro liên quan đến sức khỏe con người, và tầm quan trọng của nhựa trong xã hội”, đồng thời cho biết họ muốn đi đến kết quả và kết thúc đàm phán vào cuối năm 2024.

Tuyên bố của các Bộ trưởng khí hậu, năng lượng và môi trường G7 được đưa ra trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh G7 diễn ra từ ngày 19 – 21/05/2023 tại Hiroshima.

Nguồn: sustainableplastics.com

Tin liên quan