Chuyển động thị trường phân hủy sinh học Tin tức

Malaysia đặt mục tiêu cấm sử dụng túi nilon vào năm 2025

Đầu mẩu thuốc lá, chai nhựa, hộp xốp đựng đồ ăn mang đi, bao bì thực phẩm, túi nilon và ống hút. Đây chỉ là một số chất thải được thu gom tại các bờ biển trong các sự kiện làm sạch bờ biển quốc tế được tổ chức phi chính phủ quốc tế Reef Check thực hiện hàng năm. 

Trong suốt tháng 9 năm ngoái, tổng cộng 24.301 kg rác thải đã được thu gom trong quá trình dọn dẹp 394km bờ biển trên khắp Malaysia. Trong đó, túi nilon chiếm 11,52% lượng rác thải được thu gom. 

Bà Theresa Ng, giám đốc phát triển chương trình Reef Check Malaysia, cho biết: “Túi nilon là năm loại rác được thu gom nhiều nhất mỗi năm. Thật khó chịu khi nhìn thấy túi nhựa xuất hiện ở khắp nơi, trên bãi biển, công viên hay trên đường phố”. 

Khi chứng kiến mức độ ô nhiễm nhựa đang ở mức báo động, bà Ng bày tỏ sự ủng hộ và vui mừng trước thông báo gần đây của chính phủ Malaysia về việc cấm sử dụng túi nilon trong tất cả các lĩnh vực kinh doanh vào năm 2025. 

Đầu tháng 5/2023, Bộ trưởng Tài nguyên, Môi trường và Biến đổi khí hậu Nik Nazmi Nik Ahmad tuyên bố, việc thực hiện lệnh cấm đang được thực hiện theo từng giai đoạn. 

“Chính phủ đang thực hiện theo từng giai đoạn, với các kế hoạch hành động cụ thể nhằm triển khai lệnh cấm hiệu quả hơn và nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của từng kế hoạch hành động, đồng thời khuyến khích họ hành động hoặc đưa ra những lựa chọn tích cực và thân thiện với môi trường”, ông Nik Nazmi cho biết. 

Chính sách trên là một phần trong Lộ trình hướng tới Không sử dụng nhựa dùng một lần của Malaysia trong giai đoạn 2018–2030. 

Khi chính phủ đang tiến hành các kế hoạch loại bỏ việc sử dụng túi nilon, người dân địa phương kêu gọi chính quyền đưa ra các hướng dẫn rõ ràng hơn về lệnh cấm đối với một mặt hàng mà họ coi là một phần thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày. 


Túi nilon vẫn được xem là thiết yếu 

Ở Malaysia, túi nilon vẫn được nhiều người coi là một thứ cần thiết. Nó được sử dụng rộng rãi tại các cửa hàng tạp hóa, cửa hàng thực phẩm, chợ dân sinh và một số cửa hàng. 

Theo ước tính của Hiệp hội các nhà sản xuất nhựa Malaysia (MPMA), người dân nước này sử dụng khoảng 9 tỷ túi nhựa mỗi năm. 

Theo một nghiên cứu do Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới (WWF) thực hiện vào năm 2019, Malaysia có mức sử dụng nhựa bình quân đầu người hàng năm cao nhất với 16,78kg/người. Nghiên cứu cũng chỉ ra, Malaysia xếp hạng cao thứ hai về tổng lượng rác nhựa được thải ra. 

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, một trong những trở ngại lớn nhất đối với chiến dịch “không túi nilon” là thay đổi suy nghĩ của người tiêu dùng, đặc biệt là khi họ mua các mặt hàng như thịt, cá và rau. 

Phó chủ tịch Hiệp hội Thương nhân Pasar Besar Jalan Othman N. Rajaratnam cho biết, ông ủng hộ lệnh cấm túi nilon, nhưng hầu hết khách hàng của ông đều e ngại về điều đó. 

Ông Rajaratnam, một người bán gà, cho biết, chưa đến 1/10 khách hàng của ông mang theo hộp đựng khi họ đến mua gà. 

“Hầu hết các khách hàng khác nói rằng họ cần túi nilon để đựng thực phẩm. Đối với những người buôn bán (như tôi), lệnh cấm sử dụng túi nilon sẽ có lợi vì chi phí mua túi nilon là một phần chi phí tăng thêm của chúng tôi”, ông Rajaratnam cho biết thêm, ông phải chi trung bình 400 RM (118 USD) hàng tháng để mua túi nilon để phục vụ kinh doanh. “Việc cấm túi nilon cũng rất tốt vì nó giúp bảo vệ môi trường. Chính phủ nên nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề này”.  

Cần thay đổi hành vi 

Ông Nik Nazmi cho rằng, thành công của sáng kiến cấm sử dụng túi nilon phụ thuộc phần lớn vào sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng và thương nhân. “Hy vọng rằng nhiều cá nhân và doanh nghiệp trong ngành sẽ đóng vai trò lớn hơn trong việc giảm sử dụng túi nhựa,” ông cho hay. 

Từ đầu tháng 5, một trong những chuỗi cửa hàng nổi tiếng nhất Malaysia – 99 Speedmart – đã ngừng cung cấp túi nilon cho khách hàng. 

“Quyết định được đưa ra nhằm giải quyết các vấn đề môi trường liên quan đến ô nhiễm nhựa. Với việc cấm sử dụng túi nilon dùng 1 lần, chính phủ đang thúc đẩy các hoạt động bền vững và giảm tác động tiêu cực đến hệ sinh thái”, người phát ngôn của 99 Speedmart cho hay. 

Trước đó, Malaysia từng phát động chương trình Ngày Không Túi Nhựa vào năm 2011 để ngăn chặn việc sử dụng túi nhựa để đựng hàng hóa tại các cửa hàng.  

Trong những năm qua, các bang như Penang, Selangor, Johor và Negeri Sembilan cũng triển khai nhiều chiến dịch nhằm hạn chế sử dụng túi nilon, thông qua các sáng kiến như thu phí đối với túi nilon 

Chính sách này được áp dụng tại các đại siêu thị, cửa hàng bách hóa, cửa hàng tiện lợi, nhà hàng thức ăn nhanh và hiệu thuốc…,không áp dụng cho người bán hàng rong, thương nhân và chợ bán đồ tươi sống. 

Chủ tịch ủy ban môi trường bang Penang Phee Boon Poh cho biết, bang này đã cố gắng cắt giảm 78% việc sử dụng túi nhựa trong giai đoạn 2020-2021. 

Thành công của sáng kiến phụ thuộc vào hành động của chính phủ 

Bà Khor Sue Yee, giám đốc Zero Waste Malaysia, cho biết tổ chức này hoàn toàn ủng hộ sáng kiến của chính phủ, nhưng muốn biết rõ lộ trình triển khai ra sao. 

“Nhớ lại thì năm 2019 đã có thông báo cấm ống hút dùng một lần nhưng hiện tại, đâu đâu cũng thấy người ta uống bằng ống hút,” bà Khor Sue Yee cho biết. 

Bà Khor cho rằng, thời hạn hai năm cho việc cấm sử dụng túi nhựa là phù hợp với thực tế và sự thành công của sáng kiến sẽ phụ thuộc vào kế hoạch hành động của chính phủ.  

“Cần phải chuyển từ việc sử dụng nhựa dùng một lần sang nền kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, điều này không thể đạt được nếu không có sự triển khai quyết liệu của chính phủ và sự vào cuộc của các nhà sản xuất và ngành công nghiệp. Đây là một nhiệm vụ khó khăm, nhưng hoàn toàn có thể thực hiện được”, bà Khor khẳng định. 

(Nguồn Channel News Asia: https://www.channelnewsasia.com/asia/malaysia-plastic-bags-ban-retail-sectors-environment-2025-3530246) 

Tin liên quan