Chuyển động thị trường phân hủy sinh học

Australia sẽ loại bỏ xốp polystyrene vào năm 2022

Xốp polystyrene thường được sử dụng để đóng gói hàng hóa tiêu dùng, thực phẩm và đồ uống sẽ bị loại bỏ dần ở Úc vào giữa năm 2022. Đó là một phần của Kế hoạch Quốc gia Chống Rác thải nhựa.

Xốp Polystyrene sẽ bị ngưng ứng dụng trong ngành đồ uống và thực phẩm vào cuối năm 2020 tại Úc
Xốp Polystyrene sẽ bị ngưng ứng dụng trong ngành đồ uống và thực phẩm vào cuối năm 2020 tại Úc

Các nhóm hoạt động vì môi trường bày tỏ sự ủng hộ với nhiều điều khoản trong kế hoạch này, bao gồm việc dừng sử dụng hộp xốp đựng thực phẩm và đồ uống vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, họ vẫn chỉ trích cách tiếp cận để đạt đươc mục tiêu vẫn mang tính tự nguyện, trong khi việc này cần phải được thực hiện môt cách bắt buộc.

Chính phủ Morrison tuyên bố sẽ hỗ trợ “phối hợp hành động toàn cầu để giải quyết triệt để vấn đề rác thải nhựa đại dương” thông qua Liên Hợp Quốc. Hiện nay Liên Hợp Quốc cũng đang phát triển một hiệp ước về vấn đề này.

Kế hoạch Quốc gia Chống Rác thải nhựa đã chính thức được khởi động, do Bộ trưởng Bộ Môi trường liên bang Sussan Ley và trợ lý Bộ trưởng phụ trách về Giảm thiểu chất thải và Quản lý môi trường Trevor Evans phụ trách, còn bao gồm mục tiêu cắt giảm ô nhiễm nhựa từ nước thải máy giặt và tàn thuốc lá.

Vào tháng 7/ 2022, Úc sẽ loại bỏ dần các sản phẩm bao bì nhựa không đáp ứng các tiêu chuẩn về phân hủy, cũng như chất liệu xốp polystyrene trong ứng dụng hàng tiêu dùng.

Vào tháng 12 năm 2022, polystyrene sẽ biến mất khỏi các hộp đựng thực phẩm và đồ uống, và các nhãn bao bì PVC cũng sẽ bị loại bỏ. Bà Sussan Ley cho biết mục tiêu của Úc là sử dụng ít nhựa hơn và thay đổi cách người Úc “sản xuất, tiêu thụ và tái chế nhựa”. Chai nhựa, các loại bao bì và hàng tiêu dùng nhựa đang gây nên rất nhiều tổn thương cho môi trường, bà Ley chia sẻ.

Người phát ngôn của Bộ trưởng Bộ Môi trường liên bang cũng cho biết bà rất mong muốn các ngành công nghiệp tự nguyện đáp ứng các thời hạn nhưng chính phủ cũng sẵn sàng tôn trọng việc đề xuất điều chỉnh/ bảo lưu nếu cần.

WWF Australia cho biết 33 đề xuất hành động trong kế hoạch sẽ là một bước đột phá trong việc giải quyết ô nhiễm nhựa.

Chính phủ cho biết họ sẽ trang bị bộ lọc vi sợi cho tất cả các máy giặt được bán ở Úc vào năm 2030.

Nhà vận động về nhựa của WWF, Katinka Day, cho biết họ sẽ đưa Úc đi đầu trong nỗ lực cắt giảm chất thải vi sợi trong vòng 9 năm nữa và kêu gọi các công ty sản xuất máy giặt cùng thúc đẩy nhanh quá trình này. Một nghiên cứu cho thấy có tới 1,5 triệu sợi vi nhựa được giải phóng trong quá trình giặt quần áo từ vải tổng hợp. Trước đó, chính phủ đã công bố các mục tiêu đến năm 2025, bao gồm tất cả các bao bì “có thể tái sử dụng, tái chế và có thể phân hủy”, 70% bao bì nhựa được tái chế hoặc ủ và vật liệu đóng gói có hàm lượng tái chế trung bình là 50%.

Day cho biết, việc để cho các doanh nghiệp tự nguyện làm việc là không hiệu quả và cần phải “quản lý một cách chặt chẽ”. Nhưng Evans thì không đồng ý, ông cho rằng các sự tự nguyện của các doanh nghiệp ngành chăm sóc cá nhân và mỹ phẩm trong việc loại bỏ vi hạt trong sản phẩm cho thấy việc kỳ vọng vào sự tự nguyện là hoàn toàn hợp lý.

Trợ lý phát ngôn viên về môi trường của Bộ Lao Động, Josh Wilson cho biết: “Theo quan điểm của chính phủ, việc tái chế nhựa đã giảm từ 12% xuống 9%, trong đó chỉ có 18% bao bì nhựa sử dụng ở Úc được tái chế trong giai đoạn 2018 – 2019 và bao bì chỉ chứa 2% hàm lượng thái chế”. “Tất cả các biện pháp đều không đạt so với mục tiêu năm 2025”.

Jeff Angel, Giám đốc của Liên minh Boomerang gồm 53 tổ chức phi chính phủ lo ngại về ô nhiễm nhựa, cho biết kế hoạch này thực sự là một “nỗ lực đáng kể”.

Ông hoàn toàn ủng hộ trong việc loại bỏ nhựa dùng một lần khỏi các bãi biển bằng cách hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương chuyển sang các sản phẩm thay thế, nhưng chính phủ Úc cần tiếp tục đặt áp lực lên các doanh nghiệp nếu muốn đạt mục tiêu vào năm 2025.

Angel cũng cho biết, tàn thuốc là thứ được xả rác nhiều nhất ở Úc. Chính phủ cũng cho biết họ sẽ thành lập một “lực lượng quản lý liên ngành” để giải quyết vấn đề này.

Theo các nghiên cứu, túi nhựa và bao bì dẻo là những vật dụng nguy hiểm nhất trong đại dương. Một nghiên cứu trên tạp chí Science năm ngoái ước tính khoảng 19 triệu đến 23 triệu tấn nhựa vào năm 2016 được tìm thấy trong sông và đại dương.

Túi nhựa và bao bì dẻo là thủ phạm giết nhiều động vật biển nhất
Túi nhựa và bao bì dẻo là thủ phạm giết nhiều động vật biển nhất

Một nghiên cứu khác cũng đã ước tính rằng lượng nhựa dưới đáy đại dương nhiều gấp 30 lần lượng nhựa trôi nổi trên bề mặt.

Nguồn: The Guardian

Tin liên quan