Chuyển động thị trường phân hủy sinh học

Chính phủ Canada chính thức thêm các sản phẩm nhựa vào danh sách các chất “độc hại”

Quyết định này đã bị các hiệp hội ngành công nghiệp chỉ trích gay gắt.

Chính phủ Canada đã chính thức bổ sung “các mặt hàng sản xuất bằng nhựa” vào danh sách các chất “độc hại” trong Phụ lục 1 của Đạo luật Bảo vệ Môi trường Canada (CEPA).

Quyết định này được công bố vào ngày 12 tháng 5, 2021 và lần đầu tiên được đề xuất bởi chính phủ liên bang vào tháng 10 năm ngoái.

Trong khi quyết định mới nhất của Chính phủ nhận được sự ủng hộ từ một số nhóm hoạt động vì môi trường thì các hiệp hội ngành, bao gồm cả Hiệp hội Công nghiệp Hóa học Canada (CIAC) có trụ sở tại Ottawa, lại bày tỏ sự thất vọng với quyết định này. Cùng ngày, CIAC đã nêu rõ quan điểm về quyết định này: “Chúng tôi lo ngại quyết định của ngày hôm nay sẽ gửi thông điệp sai đến các nhà đầu tư ngành hóa chất toàn cầu, cụ thể là Canada đang hoài nghi về triển vọng đầu tư hướng đến nền kinh tế tuần hoàn đối với nhựa”. CIAC đồng thời cho biết: “Chúng tôi thất vọng vì các vật liệu nhựa an toàn đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của người dân Canada lại bị dán nhãn là chất độc hại”.

Do đó, CIAC sẽ tiếp tục làm việc để xây dựng hệ thống trách nhiệm của nhà sản xuất ở tất cả các tỉnh bang và ủng hộ việc tiếp cận công nghệ tái chế hiện đại. Elena Mantagaris, Phó Chủ tịch bộ phận nhựa của CIAC cho biết: “Bằng cách tạo ra các loại nhựa có thể tái chế hoàn toàn, biến chất thải thành các sản phẩm nhựa mới và các sản phẩm khác, chúng ta có thể giúp Canada thực hiện mục tiêu không còn chất thải nhựa”.

Và tại Hoa Kỳ, Hội đồng Hóa học Hoa Kỳ (ACC) cho biết trong một tuyên bố rằng danh sách CEPA có thể gây hiểu lầm và phản tác dụng. Joshua Baca, Phó Chủ tịch phụ trách ngành nhựa của ACC, cho biết: “Việc cấm các sản phẩm nhựa hiệu quả có thể sẽ dẫn đến việc buộc phải thay thế bằng các chất có thể làm tăng lượng khí thải nhà kính và ngăn cản quá trình chuyển đổi sang một tương lai có lượng khí carbon thấp”.

Trong khi đó, Hiệp hội Công nghiệp Nhựa có trụ sở tại Washington, D.C. cũng không ủng hộ quyết định này. Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tony Radoszewski nói: “Hai quốc gia thành viên của chúng tôi là những nền kinh tế hùng mạnh trong ngành nhựa. Điều luật bổ sung này là một hành động mang tính hàm ý đối với các nhà sản xuất trong ngành và đe dọa hàng chục tỷ đô la rủi ro thương mại. Ý kiến cho rằng nhựa là chất độc hại là thực sự nguy hiểm. Nó có thể kéo theo nhiều lệnh cấm đối với các sản phẩm tiêu dùng có thể tái chế hoàn toàn. Vì vậy, mối quan tâm chính của chúng tôi ở đây là cải thiện việc tái chế”.

Sự phản đối trong ngành đối với việc quyết định của CEPA không phải là mới. Vào tháng 12 năm 2020, hai tháng sau khi Chính phủ công bố ý định của mình, Tập đoàn Nova Chemicals có trụ sở tại Calgary đã đệ đơn phản đối chính thức với lý do các mặt hàng sản xuất bằng nhựa không “độc hại” theo định nghĩa của CEPA, cũng như theo một đánh giá khoa học gần đây. Nova cho biết: “Đánh giá không đề cập đến các sản phẩm được sản xuất bằng nhựa gây hại cho hệ sinh vật hoặc môi trường. Tác hại tiềm tàng được xác định trong đánh giá khoa học chỉ liên quan đến một số ít các mặt hàng tạo ra vi nhựa. Theo đó, danh sách được đề xuất thuộc danh mục (Các mặt hàng được sản xuất bằng nhựa) sẽ chứa mọi sản phẩm được sản xuất từ ​​nhựa ở Canada. Hạng mục này không được đề cập trong đánh giá khoa học.” Nova tiếp tục nói thêm rằng ký hiệu “độc hại” “sẽ làm mờ ranh giới với những chất thực sự độc hại và được quản lý đúng theo Điều 1 của CEPA”.

Cũng trong tháng 12 năm 2020, Hiệp hội Công nghiệp Nhựa đã đệ đơn phản đối chính thức của mình lên chính phủ Canada, cho rằng việc Quyết định này sẽ gây ra rào cản đối với hoạt động thương mại, đồng thời vi phạm các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới và vi phạm “tinh thần hợp tác” trong Hiệp định thương mại giữa Hoa Kỳ – Mexico – Canada.  Cũng theo Hiệp hội Công nghiệp nhựa, đại dịch COVID-19 đã cho thấy các sản phẩm nhựa, cho dù là trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe hay dịch vụ thực phẩm đều rất cần thiết trong thời kỳ đầy biến động này.

Nguồn: Canadian Plastics

Tin liên quan